Những pha xử lý nhanh gọn khi xe ô tô bị hỏng dọc đường (P1)
1. Xẹp lốp hoặc nổ lốp
Lái xe hãy tập thay lốp để biết cách xử lý khi cần
Bánh sơ cua đã được các hãng xe hơi nghĩ ra chỉ ít lâu khi xe hơi xuất hiện, nó được xem như vật bảo đảm tương đối cần thiết cho người lái xe đi đến nơi về đến chốn. Công nghệ phát triển cho ra những chiếc lốp xe ngày càng bền, và cũng chính từ đây thói quen kiểm tra áp suất lốp và độ mòn lốp xe thường bị các chủ xe thờ ơ vì trong đầu luôn nghĩ đã bền lại còn có bánh sơ cua nữa thì lo gì nhỉ? Chính vì thế mà có những tai nạn thương tâm khi nổ lốp, người lái hoảng hốt đạp mạnh phanh làm cho việc kiểm soát chiếc xe thêm tồi tệ hơn.
Nếu chẳng may xe bạn chỉ bị xẹp lốp và mất áp xuất từ từ khi cảm nhận tay lái bị nặng, xe ì và có tiếng kêu phạch phạch phát ra thì bạn khá may mắn. Đây là cơ hội để lốp xe của bạn được kiểm tra tình trạng, xem có còn đủ an toàn để sử dụng hay không, mặc dù bạn sẽ phải tốn thời gian tự thay bánh sơ cua hay đi xe tới một điểm vá lốp.
Trường hợp xe bạn bị nổ lốp đột ngột khi đang lưu thông, nhất là lốp trước thì đây là một vấn đề lớn. Ở hoàn cảnh này, hãy cố gắng ghìm tay lái định hướng cho xe, nhả từ từ chân ga rồi từ từ đưa xe vào lề an toàn, bật đèn ưu tiên, tuyệt đối không đạp phanh gấp khiến tình trạng tồi tệ hơn vì mất kiểm soát xe. Bạn chỉ có thể đạp phanh từ từ khi mọi thứ đã được kiểm soát.
Khi tiến hành thay bánh sơ cua cũng phải tuân thủ rút chìa khóa khỏi xe và cho vào túi, kéo phanh tay, cài số 1 khi xe đang trên đường dốc lên và cài số lùi nếu xe đang đậu dốc xuống, kết hợp chèn bánh xe để phòng khi phanh tay bị hỏng, và luôn bật đèn ưu tiên trong mọi trường hợp.
2. Mất phanh
Va chạm với vật cản là giải pháp khẩn cấp cuối cùng khi xe bị mất phanh
Mất phanh là sự cố nguy hiểm vào loại hàng đầu, dễ tạo sự hoảng loạn cho người lái và kết cục là cơ hội giảm thiểu tai nạn rất thấp. Cảm giác đạp phanh sâu mà không có tác dụng do đường ống bị mất dầu, hay đạp phanh nhưng cứng đơ do ống dầu bị tắc nghẽn hoặc cũng có thể xe bị bó cứng phanh,... Tạm bỏ qua nguyên nhân mất phanh, chúng ta hãy tập trung vào vấn đề xử lý khi rơi vào trường hợp này.
Bình tĩnh là yếu tố quan trọng nhất, song song đó hãy cứ nhấp đạp phanh liên tục để tìm cơ may hệ thống được phục hồi, sử dụng phanh tay nhịp nhàng và vận hành kỹ thuật giảm tốc độ bằng cách dồn số để ghì xe lại. Tuyệt đối không được tắt động cơ xe, điều này sẽ khiến hệ thống trợ lực không hoạt động, làm việc điều khiển xe thêm khó khăn.
Tình huống xấu nhất mà bạn sẽ phải chọn là cho xe va chạm với một vật cản, và hãy giữ đủ bình tĩnh để lựa chọn vật cản mềm như bụi cây, vũng bùn, hoặc nếu có va chạm với vật cứng như con lươn, vách đá, phải cố gắng để xe có góc tiếp xúc nhỏ, tránh va trực diện.
3. Phải phanh khẩn cấp
Với xe có ABS, khi cần phanh gấp, hãy đạp thật mạnh và giữ chân phanh rồi đánh lái tránh chướng ngại vật
Trong những tình huống phải phanh khẩn cấp, người lái luôn đặt chân đúng vị trí và hai tay luôn đặt trên vô-lăng ở vị trí thuận tiện thì hiệu quả phanh sẽ cao hơn. Vị trí đặt bàn chân phải đối diện bàn phanh, luôn lấy trụ là gót chân sẽ cho hiệu quả phanh mạnh nhất và không bao giờ phạm vào lỗi đạp nhầm châm ga. Cần tránh thói quen nhấc chân qua lại giữa phanh và ga làm giảm nhịp, thậm chí đạp bị trượt dẫn đến chậm trễ trong việc thoát rủi ro.
Trường hợp xe có hệ thống ABS thì cứ đạp mạnh phanh và giữ chắc chân phanh, đồng thời kết hợp đánh lái nếu cần phải tránh chướng ngại vật, mặc cho ABS tự xử lý nhấp nhả chống bó cứng. Với những xe không có hệ thống này, lái xe phải phải nhấp nhả liên tục, tránh cho xe bị bó phanh và trượt mất lái, nhưng người lái cần có kinh nghiệm để làm việc đó.
Những xe có hệ thống hỗ trợ phanh khẩn cấp BA cũng nên cẩn thận trong từng trường hợp. Nếu không cần thiết phanh gấp nhưng hệ thống nhận thấy khoảng thời gian rời chân ga và đạp phanh trong giới hạn quá nhanh, mặc nhiên hệ thống này sẽ hoạt động bất kể đạp nhẹ hay mạnh làm cho xe dừng khẩn cấp, dẫn tới xe sau có thể phanh không kịp.
Trong tất cả mọi trường hợp, tuyệt đối không được cắt côn khi đạp phanh, nhất là trong điều kiện xe đang chạy tốc độ cao, bởi điều đó có thể làm xe trôi tự do theo quán tính nhanh hơn.
4. Bỗng dưng chân côn bị xìu
Cái bệnh hỏng cupen ambraya như cái duyên, có người đi hết xe này đến xe khác nhưng chưa bao giờ “dính”, nhưng cũng có người bị vài lần trong cuộc đời chạy xe. Chắc chắn khi bị lần đầu, các chủ xe sẽ rất lúng túng và không biết xử trí ra sao.
Nên quay trở vào xe, trả phanh tay, đặt vị trí cần số ở số 3, đề máy và hơi đạp chút ga để chiếc xe khỏi bị chồm lên, duy trì đèn ưu tiên và chạy tốc độ chậm, cứ thế, chiếc xe cũng về đến nơi sửa chữa. Tuy nhiên, trường hợp này chỉ có thể thực hiện trên những con đường tương đối thưa xe và ít người.
5. Vỡ kính xe
Hãy cẩn thận khi đi phía sau các loại xe tải chở vật liệu xây dựng
Kính lái xe hiếm khi bị vỡ ngoại trừ có va chạm mạnh từ phía trước hay bị đá văng trúng. Nhưng nếu có lỡ bị vỡ, bạn cũng nên biết cách tạm khắc phục để chạy đến nơi có thể thay thế. Nếu chỉ là đường rạn nứt kiểu chân chim thì bạn có thể cố định bằng vài lớp băng keo trong bản lớn. Nếu kính đã bị vỡ vụn rồi thì chỉ còn cách sống chung với gió, khi đó, điều đầu tiên là chạy với tốc độ chậm, bật đèn ưu tiên và nhớ hạ nốt những cửa kính còn lại để tránh cho gió đi lòng vòng ù ù trong xe.
Nếu như những kính cửa sổ hoặc kính hậu bị vỡ thì bạn cũng nên tạm quên điều hòa mà sống chung với gió thiên nhiên, vì nếu dùng báo hoặc bìa che tạm thì có thể sẽ làm giảm đáng kể tầm quan sát phía sau.
Các chủ xe cũng nên trang bị búa thoát hiểm nhỏ gọn dành cho ôtô để đề phòng những trường hợp khôn lường khi cần thoát ra khỏi xe. Vật dụng này rất nhỏ gọn, không chiếm chỗ nên cần bố trí ở những chỗ dễ dàng lấy nhất cho cả 4 vị trí trên xe.
Nhận xét
Đăng nhận xét